Đối với đồ dùng ăn uống hàng ngày:
- Chén, tô, dĩa.
- Ly uống nước.
Dựa trên loại vật liệu được sử dụng để chế tạo, tôi phân loại thành các nhóm sau đây :
- Sứ
- Thủy tinh
- Nhựa
Và trong thứ tự ưu tiên chọn sử dụng hàng ngày, thì sứ và thủy tinh là 2 lựa chọn hàng đầu của tôi. Lý do thứ nhất là nó an toàn, không nhiễm chất độc hại vào thực phẩm và nước uống. Và ngoài ra còn các lý do khác như:
- Sang trọng, đẹp mắt
- Dễ dàng vệ sinh, không bám dính thức ăn
- Bền, chịu nhiệt tốt và có thể sử dụng được trong lò vi sóng.
Đối với đồ sứ, khi đề cập đến đặc điểm an toàn. Thì điểm an toàn được đảm bảo bằng lớp men ngoài cùng của đồ sứ. Lớp men này đủ cứng để không bị trầy, sướt khi sử dụng, cũng như khó ngấm vào từ bên ngoài khi chứa đựng lâu một loại chất lỏng nào đó. Khả năng không ám mùi sau khi được rửa, lau khô cũng là một điểm cộng. Ngoài ra việc sử dụng các vật liệu cứng, thô khi rửa chén cũng không ảnh hưởng nhiều đến lớp men bên ngoài này. Lớp sứ này được coi như một lớp áo giáp bất khả chiến bại với ngoại cảnh. Và khi sử dụng đồ ăn bằng sứ, cảm giác an toàn vệ sinh thực phẩm luôn được đảm bảo.
Chén cơm, tô canh, dĩa đựng đồ ăn là những món đồ tiếp xúc trực tiếp với thực phầm mà chúng ta ăn vào hàng ngày. Nhiệt độ thực phẩm cao là yếu tố nhiệt tác động hàng ngày lên những món đồ sứ này. Ngoài ra còn có các yếu tố về gia vị, dầu mỡ... khác nữa. Nhưng khi liệt kê ra và đi đến kết luận cuối cùng thì khi sử dụng với đồ sứ, an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ dễ được đảm bảo nhất so với các loại chất liệu khác như nhựa, gỗ. Còn thủy tinh là một câu chuyện khác, tôi tạm thời để lại đó chưa đưa vào so sánh.
Có một ngày, trong khi tìm cách loại bỏ lớp keo của nhãn hàng trên chén. Tôi đã phải dùng đủ biện pháp để cạo, tách lớp keo này ra. Và trong đó có sử dụng đến bùi nhùi sắt để chà xát. Và sau một hồi vật vã, tôi nhận ra là tôi đã làm mòn đi lớp sứ bên trên vì sau một hồi chà xát, tôi đã nhìn thấy màu sắc vùng đó thay đổi và có vẻ là nó đã bị bào đi một lớp. Không, chính xác là lớp men đã bị tôi bào đi 1 lớp mỏng. Lúc này tôi mới có một câu hỏi là: Liệu lớp men sứ bên ngoài có đủ an toàn để bảo vệ hay không? Khi nó quá mỏng và không được cứng như mình từng nghĩ.
Có thể do loại chén sứ tôi mua là loại kém chất lượng, nên lớp men sứ nó lại kém như vậy. Cũng có thể là do từ trước đến giờ tôi bị ngộ nhận, nghĩ rằng lớp men sứ đủ dày, đủ cứng chắc để chịu tác động của lực chà xác bên ngoài. Nhưng có vẻ ảo tưởng vể sự an toàn tuyệt đối của tôi về đồ men sứ đã phải có sự thay đổi.