Nếu nói về mùi hương và sự thanh tịnh trong tâm trí, thì tôi sẽ tưởng tượng ngay trong đầu mình cảnh được ngồi thoải mái bên một ấm trà nóng với một ly trà đã được rót ra còn hơi nước tỏa lên. Với tôi sự thanh tịnh thường gắn liền với lá trà và mùi hương của nó. Mùi hương từ lá trà có thể át được những mùi hôi, tanh, xú uế.. một cách hết sức tuyệt vời. Chính vì vậy một không gian đượm mùi hương trà là một không gian đã được thanh tẩy, người được đắm chìm trong không gian này sẽ được cách ly với thế giới bên ngoài đang xô bồ kia.
Hãy cùng quay ngược về tìm hiểu nguồn gốc mùi hương đặc biệt trên nhé.
Để có được một ấm trà thơm tuyệt vời như vậy, thì phải có đủ các yếu tố:
- Dụng cụ dùng pha trà
- Nước pha trà
- Nguyên liệu pha.
Trước tiên hãy nói về nguyên liệu dùng để pha chế nhé.
Tôi thường pha trà bằng 2 loại dạng:
- Một là lá chè tươi.
- Hai là chè khô: có búp chè, lá chè, thân non.
Chè tươi tôi thường sử dụng
Ngoài chợ thường có bán nguyên 1 nhánh chè có cả cành, lá già, lá non. Nhiều người có thể để cả phần này vào để nấu nước. Nhưng tôi thường tách ra các phần khác nhau, phần chồi non được tách riêng ra, phần lá được tách riêng ra và cuối cùng còn lại chỉ còn phần thân của cây chè.
Phân thân chè hay để phơi khô, đốt chơi cho vui.
Phần lá già một chút sẽ được để riêng ra để nấu nước chè, ướp lạnh để uống.
Phần lá non và phần búp sẽ dùng để hãm nước trong ấm trà.
Phần nước chè để trong tủ lạnh có thể lấy ra uống khi khát. Ta nói, lúc đó đã ơi là đã!
Chè được sấy khô, hay gọi là trà
Có khá nhiều loại trà, nhưng tôi thích sử dụng 2 loại sau:
- Trà móc câu
- Trà đủ thứ
Thường thì trà móc câu là để tự pha tự uống, còn trà đủ thứ là để pha cho nhà uống vì nó ít đắng hơn, với có nhiều mùi thơm khác, do có thể được pha trộn với nhiều loại khác nhau nữa.
Nước pha trà
Có một giai đoạn tôi khá kỹ trong chọn nước để pha trà, vì mỗi loại nước khác nhau sẽ ảnh hưởng đến màu sắc, mùi vị của trà kha khá.
Nhưng sau này thì có nước gì thì nấu nước đó, cũng không kén chọn lắm. Vì có mùi trà là hấp dẫn rồi, mọi thứ không ảnh hưởng nhiều lắm đến tôi lắm.
Dụng cụ dùng pha trà
Chuyện dùng loại bình nào để pha trà thì tôi hơi kén hơn một chút.
Nhưng xoay đi xoay lại vẫn là bình thủy tinh có nắp đậy.
Nhưng nếu có thời gian thì lại sử dụng đủ các loại khác, như ly thủy tinh, ly nhựa...
Nếu tỉ mỉ thì phải khá kén chọn để được ly trà như ý. Nhưng nếu phức tạp quá thì để có ly trà thưởng thức thì lại quá lâu, quá khó để có thể thưởng thức được hương vị của trà. Mà cái này là điều tôi quan tâm đến nhiều hơn. Nên thôi, xuề xòa tí để có trà uống là ngon rồi.
Hồi tôi còn nhỏ, tôi thường được uống trà do ba tôi pha. Do nhà tôi cũng có một cây chè do ba tôi tự tay trồng. Lúc đó là lá chè trong một chiếc ấm gốm có hình con gà bên ngoài, giờ thì chiếc ấm đó đã đi vào lòng đất. Nhưng ấm gốm hình con gà trống là một trong những vật đặc trưng cho một thời kỳ, và hiện tại bạn vẫn có thể tìm mua sản phẩm được làm lại theo hình mẫu này. Khá là thú vị.
Lúc đó với tôi nước trà là thứ nước không có gì hay ho hết. Lý do là vì nó chát hơn nước lọc tôi thường được uống.
À mà giờ mới nhớ nước trà lúc đó có một mùi đặc trưng mà lâu lâu tôi vẫn tìm lại về. Đó là mùi khói. Mùi khói này không phải là mùi khói ám trong lá chè mà là mùi khói do khi đun nước bằng củi, nó sẽ có cái mùi đặc trưng của loại củi được sử dụng để đốt. Khói từ củi sẽ ám vào nước được đun. Và cái mùi đặc trưng này sẽ theo qua ấm trà. Và cuối cùng bạn sẽ được thưởng thức vị trà hết sức đặc biệt.
Sau này, đi nhiều nơi, có dịp thưởng thức nhiều loại trà, từ bình dân vỉa hè cho đến trong khách sạn, khu du lịch.... nhưng cái vị trà phản phất mùi khói từ xa xưa vẫn không thể thay thế vị trí được trong tâm trí của tôi.
Một mùi vị của ký ức...